“Thắt” marketing có thể đánh mất đường sống

Cắt giảm chi phí luôn là việc mà doanh nghiệp cần làm, nhưng cắt giảm ngân sách marketing có thể là quyết định tự đánh mất đường sống của doanh nghiệp.
Rất nhiều ý tưởng, giải pháp hữu ích nhằm tối ưu hóa chi phí đã được các doanh nghiệp đưa ra và tích cực áp dụng để vượt bão khủng hoảng trong suốt thời gian qua. Tại Công ty cổ phần May Nhà Bè, vì giá than tăng mạnh, nên doanh nghiệp này đã chuyển sang dùng củi để đốt lò hơi phục vụ ủi ẩm vải. Đại diện Công ty này khẳng định, giải pháp trên về lâu dài sẽ giúp Công ty tiết kiệm được cả tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Đèo Anh Tài, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thiết bị văn phòng Sao Mai sẽ là vị CEO của chương trình tuần này
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vintatex) đã liên kết với một vài doanh nghiệp cùng ngành tiến hành trao đổi nguyên liệu thừa. Khi doanh nghiệp này đã hoàn thành đơn hàng cho đối tác mà vẫn còn thừa nguyên liệu, thì có thể để lại cho doanh nghiệp khác với đơn hàng tương tự.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vật Giá (vatgia.com), những chi phí không cần thiết đều được cắt giảm. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các dự án của vatgia.com đều được hỗ trợ đủ các nguồn lực về tài chính, công nghệ, kinh doanh, marketing. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nhất định mà không ra tiền thì buộc phải cắt giảm. “Một khi đã nhận thấy lãng phí và không phù hợp thì phải cắt ngay, chứ không nên kéo dài”, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc điều hành (CEO) vatgia.com nói.
Theo ông Điệp, một trong những chi phí tốn kém nhất là chi phí về nhân sự. Ngành thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa đến giai đoạn chín, vì vậy, dù có chi nhiều tiền tuyển người giỏi, thì họ cũng không thể xoay chuyển được tình thế. Chỉ cần 1 người giỏi và 40-50 người chăm chỉ, chịu khó, là đủ để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không chỉ tiết giảm chi phí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhân sự, nhiều doanh nghiệp còn mạnh tay cắt giảm chi phí marketing, quảng cáo lên tới 80%. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí marketing, quảng cáo có thể dẫn đến sai lầm, trong bối cảnh nhiều đối thủ xem khủng hoảng là cơ hội để giành thị phần, khách hàng và liên tục áp dụng các chiêu thức cạnh tranh về giá cả, tăng hoạt động marketing, quảng cáo…
Mới đây, việc Coca-Cola và Pepsi giảm giá nước ngọt có gas gần như đã đánh trực diện vào dòng sản phẩm không gas của Tân Hiệp Phát. Hai đại gia này chia nhau thống trị thị trường nước ngọt có gas và Tân Hiệp Phát chiếm giữ mảng không gas, tạo nên thế cân bằng trên thị trường nước giải khát Việt Nam.
Tuy nhiên, việc hạ giá sản phẩm và công bố mở rộng đầu tư thời gian gần đây của hai đại gia trên cho thấy, vị thế của Tân Hiệp Phát có thể bị lung lay. Tân Hiệp Phát không thể phản pháo bằng cách chạy đua giảm giá vì sẽ bị lỗ nặng. Nhưng họ đã lôi kéo giới truyền thông vào cuộc, với hàng loạt tin, bài phân tích về những tác động của việc giảm giá tới doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty này còn tận dụng tối đa các kênh truyền thông xã hội khác để không ngừng quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của mình.
Rõ ràng, nếu có khó khăn về tài chính, doanh nghiệp có thể thay đổi hình thức marketing. Thay vì quảng bá trên truyền hình, báo giấy, thì có thể đưa vào kênh online, các mạng xã hội...
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Left Brain Connectors cho rằng, doanh nghiệp nào ít chi phí thì hãy nắm bắt “đường ra thị trường” của sản phẩm bằng cách xây dựng bản đồ kênh phân phối, hợp tác và liên kết với những thương hiệu “cùng nhóm theo kênh”, để giảm thiểu chi phí tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm nhóm để nâng cao doanh số.
Ngoài ra, nhiều chiêu thức cắt giảm chi phí có lợi cho doanh nghiệp sẽ được Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2012, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam bàn luận. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật (30/6) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (1/7).
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton.
Vũ Anh